Miễn phí vận chuyển đơn hàng trên 500.000

PHUỘC NHÚN XE ĐẠP - ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHUỘC NHÚN - PHÂN LOẠI PHUỘC NHÚN (P2)

PHUỘC NHÚN XE ĐẠP - ƯU VÀ NHƯỢC ĐIỂM CỦA PHUỘC NHÚN - PHÂN LOẠI PHUỘC NHÚN (P2)
6. Phuộc hơi (Air) và phuộc lò xo (Coil):
a) Cấu tạo:
 

 

- Steerer tube: Ống cổ phuộc
- Compression Adjustment: Núm vặn tùy chỉnh độ nén hoặc khóa phuộc (chức năng khóa cực hiệu quả khi leo dốc hay đạp đường trường)
- Air valve: Đầu valve bơm hơi (chỉ có trên giảm xóc hơi)
- Crown: vai phuộc, trên xe downhill thường sử dụng double crown (giảm xóc 2 vai)
- Stanchions: Ti phuộc (độ dài hành trình phuộc)
- Arch: Cầu nối
- Lowers: thân phuộc
- Through Axle: Trục cốt bánh [ thường sẽ có 1 thanh kim loại giữ bánh xe ở đúng vị trí, thông thường thanh này đi kèm hub, sẽ có 2 loại là ti bật QR và thru-axle, ti bật QR sử dụng một cơ chế để cố định bánh xe dựa vào thiết kế hình chữ U ở phần dropout của phuộc, còn thru-axle thì là thanh trục xuyên thẳng qua hub và dropout (phần dropout sẽ thiết kế theo dạng hình tròn kín) ]
- Rebound Adjustments: Tuỳ chỉnh rebound (độ nén nhả nhanh hoặc chậm của giảm xóc)
- Dropouts: Lỗ bắt trục

 

b) Phân biệt các loại phuộc:

Để phân biệt các loại phuộc giảm xóc người ta sẽ căn cứ vào loại lò xo được cấu thành nên phuộc đó, cụ thể:

Với lò xo thường thì sẽ được gọi là phuộc lò xo (Coil), còn lò xo hơi thì được gọi là phuộc hơi (Air). Tuy nhiên, thực tế thì nhiều người vẫn nhầm tưởng và cho rằng có 2 loại phuộc giảm xóc là phuộc dầu và phuộc hơi

Phuộc Coil thì dùng lò xo để nhún, do lò xo làm bằng kim loại nên phuộc Coil nặng hơn phuộc Air và cũng khó canh chỉnh độ cứng hơn phuộc Air. Bù lại phuộc Coil cứng hơn và bền hơn so với phuộc Air. Những xe Down-Hill cần độ bền và độ cứng thì thường sử dụng phuộc Coil, phuộc Air thì có loại Dual Air ( cả 2 ống đều là Air ) hoặc Solo Air ( 1 ống Air 1 ống lò xo )

 

c) Phuộc hơi (Air):

Phuộc hơi là loại phuộc sử dụng khả năng nén của không khí, bên trong phuộc hơi là các buồng khí, khí có lực tác động ( nhún ) thì các buồng khí này bị nén lại và đến 1 mức nào đó thì nó sẽ bung ra lại và trở về vị trí cũ ( kết thúc 1 hành trình nhún ) thông qua giảm chấn
- Ở phuộc Air thì bên trong phuộc là không khí, có thể dễ dàng thay đổi áp suất bên trong phuộc ( tăng giảm độ cứng ) bằng cách bơm áp suất cao hay thấp cho phuộc bằng loại bơm chuyên dụng cho phuộc


Lưu ý : Mỗi dòng phuộc có yêu cầu áp suất ( PSI ) khác nhau và cho từng trọng lượng cơ thể khác nhau, các thông số này thường được in trên phuộc hoặc trong hướng dẫn của nhà sản xuất từng loại phuộc
Do áp suất không khí dễ điều chỉnh bằng cách tăng / giảm PSI nên việc căn chỉnh phuộc hơi dễ dàng hơn, cũng như không khí thì nhẹ, nên phuộc Air có trọng lượng nhẹ hơn phuộc Coil

 

* Ưu điểm:

- Phuộc hơi cho phép  điều chỉnh chính xác và dễ dàng độ cứng của phuộc thông qua việc bơm áp suất phuộc : Tăng áp suất thì phuộc cứng hơn, giảm áp suất thì phuộc mềm hơn và có thể đo đạc dễ dàng thông qua đồng hồ áp suất, ngoài ra còn có thể chỉnh Rebound để căn chỉnh độ đàn hồi phuộc. Có thể dễ dàng điều chỉnh với 1 cây bơm phuộc : ví dụ như cung đường hôm nay là đường offroad nhẹ hoặc onroad ngoài việc mở / khóa phuộc, mọi người có thể có thể bơm phuộc cứng hơn 1 chút, còn nếu offroad nặng thì có thể xả ra 1 chút
- Phuộc hơi nhẹ hơn
- Phuộc hơi khó đi hết hành trình phuộc hơn (nhún quá sâu) : hiểu đơn giản là khi đi hết hành trình phuộc thì ống trong và ống ngoài sẽ chạm vào nhau , khi nhún hết cỡ lút cán thì dễ dẫn đến hư hỏng phuộc hoặc cổ xe do các bộ phận bị va chạm vào nhau. Phuộc hơi tránh dc điều này do không khí độ nén nó tăng theo lũy thừa, sẽ cần rất nhiều lực để khiến cây phuộc đi hết hành trình
- Phuộc hơi êm hơn

 

* Nhược điểm:

- Phuộc Air có cấu tạo phức tạp và khó sửa chữa hơn nên kiểm tra định kỳ hàng năm; kinh nghiệm của mình mình thì cũng đang dùng phuộc hơi Rockshox mẫu 30 Silver TK trên con MTB, dùng đến giờ cũng phải hơn 2 năm rồi bào tour off-road các kiểu chưa thấy vấn đề gì, chỉ có 1 năm mình kiểm tra thì thấy xuống hơi nên bơm lên tí thôi

- Giá mặn hơn, loại rẻ nhất của Suntour cũng rơi vào tầm 2tr

- Dễ cắm đầu khi thắng gấp : theo mình được biết và tìm hiểu thì phuộc hơi nó mềm ở hành trình đầu ( 50mm đầu tiên ) và bắt đầu cứng từ giữa hành trình đến cuối hành trình ( 50mm cuối ) nên khi phanh gấp thì phuộc nó sẽ nhún rất nhanh và tạo thành 1 cái đòn bẩy hất bánh xe về phía trước, đến dễ cắm đầu nhất là khi đang đổ dốc, nên đổ đèo dốc xe phuộc nhún cũng cần có kinh nghiệm

 

 

d) Phuộc lò xo (Coil):

Như tên gọi, loại phuộc này dùng các lò xo bằng kim loại để nhún, các lò xo này có thể làm bằng thép hoặc titan

 

* Ưu điểm:

- Phuộc Coil nhạy hơn : phuộc Coil cần ít lực để bắt đầu di chuyển hành trình nhún, do đó nó nhạy hơn với các tác động nhỏ và sẽ bắt đầu nhún ngay khi có tác động chứ ko như phuộc Air. Ngoài ra độ nhạy của lò xo cũng giúp bộ giảm chấn hoạt động tốt hơn nên khả năng rebound của phuộc Coil cũng mượt hơn. Ngoài ra nó cũng giúp bám đường nhất là khi chạy đường đá, sỏi hơn do phuộc không bị nảy lên như phuộc Air

- Thêm 1 ưu điểm là giá thành rẻ hơn so với phuộc hơi, ngoài ra về độ bền thì nhiều người nói phuộc lò xo bền và ít phải bảo dưỡng hơn nhưng mình lại ko đồng tình với quan điểm này

 

* Nhược điểm:

- Khó điều chỉnh độ cứng của phuộc : Không như phuộc Air sử dụng tăng giảm áp suất để thay đổi độ cứng / mềm của phuộc. Muốn thay đổi độ cứng / mềm của phuộc Coil chỉ có 1 cách là tháo ra thay lò xo khác, tính ra rất mắc công và tốn kém

- Phuộc Coil dễ đi hết hành trình : do cấu tạo là lò xo nên phuộc Coil khi bị nén mạnh thì nó đi hết hành trình rất nhanh, dễ chạm đáy phuộc hơn phuộc Air, việc chạm đáy phuộc thường xuyên hoặc quá mạnh có thể dẫn đến hư phuộc hoặc gãy cổ xe

- Phuộc Coil nặng hơn : phuộc nặng hơn thì khó điều khiển hơn, khó bốc đầu hơn

 

7. Phuộc nhún ảnh hưởng thế nào đến tốc độ đạp:

Như mình đã nói ở bài viết xe có phuộc nhún thường sẽ nặng hơn xe phuộc đơ, nếu đường trong phố hay đường bằng đơn thuần thì không khác biệt mấy rồi, nhưng khi vào cung đường nhiều đèo dốc thì mới thấy

Đa phần mọi người sẽ ko để ý hoặc ko nhận ra khác biệt về tốc độ (cho dù kể cả leo dốc) nhưng thật sự là đạp những đoạn đường dài sức phân bổ ra cũng khác, nếu gắn đồng hồ tốc độ là thấy khác biệt rõ rệt luôn

Khác biệt về sức bỏ ra và tốc độ còn nằm ở cung đường ra sao, là đường trải nhựa đẹp hay đường xấu, giả sử như đường đẹp thì xe Road hoặc Gravel chắc chắn sẽ lợi hơn MTB rồi hay kể một số xe dạng light-touring đều có thể nhanh hơn; tất nhiên là tốc độ nhanh chậm ko chỉ phụ thuộc vào phuộc nhún hay không mà còn vào các yếu tố khác như geometry xe, tổng thể cân nặng chiếc xe....

 

8. Chinh chiến off-road với xe không phuộc nhún:

Nếu mọi người chỉ cần đi những cung đường off-road nhẹ nhàng hoặc dạng đường mòn ko quá gồ ghề thì 1 số loại xe ko phải MTB vẫn đáp ứng được nhu cầu này

Với những địa hình ko cần kỹ thuật quá cao thì mọi người có thể lựa chọn Gravel Bike hay một số kiểu Touring Bike khung thép thì đều phù hợp cho đường trường hoặc off-road, và 1 số loại địa hình khác nữa, đặc biệt là Gravel Bike vẫn đáp ứng nhu cầu tốc độ cao mà vẫn có thể vượt địa hình

 

9. Chi phí cho một cây phuộc nhún:

Phuộc Coil thì nhiều mức giá dao động 500k đến hơn 1tr (có cả 1 số phuộc chỉ 200-300k nhưng những loại này mình ko khuyến cáo dùng cho cung đường nặng đô), còn phuộc hơi thì thường từ 2tr - 10tr kể vài chục triệu cho một cây phuộc cũng là bình thường, như mình thấy thì tầm 3-4tr là phuộc dùng ok rồi tùy vào kinh tế mỗi người

Nên nhớ là ko có đồ gì đáp ứng đủ các tiêu chí ngon bổ rẻ, luôn là tiền nào của nấy,  giữa cây phuộc 1tr cây phuộc 10tr thì tất nhiên là độ xịn sò không thể bàn cãi rồi, nhưng đối với những người mới chơi hay nhu cầu chỉ là đạp dạo thể dục vài chục cây số mỗi ngày so cây phuộc rẻ và đắt thì khó có thể nhận  ra sự khác biệt

 

Vì phuộc là 1 bộ phận đắt tiền nên mọi người cần lưu ý khi mua xe, đặc biệt là những chiếc xe đạp giá siêu rẻ. Giá rẻ đi kèm với chi phí của các bộ phận chất lượng thấp (không chỉ hệ thống giảm xóc mà còn cả hệ thống bánh xe, phanh, v.v.).

 

Quyết định chọn xe có phuộc nhún hay không phụ thuộc vào loại cung đường đi và nhu cầu đạp thường xuyên, theo ý kiến cá nhân của mình nếu chỉ đi loanh phố thì xe nào cũng được (bản thân mình cũng luân phiên 2 chiếc xe khác nhau), nếu xác định hay off-road thích chinh phục những cung đường xấu hoặc đơn giản là nghịch ngợm bay nhảy thì xe có phuộc nhún là phù hợp nhất thôi

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.